Bản Đôn là một địa danh nổi tiếng của Việt Nam, cũng được nhiều người trên thế giới biết đến như là một nơi có truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Bản Đôn trước đây đã từng là thủ phủ của tỉnh Đắk Lắk, sau này để tiện cho việc phát triển kinh tế xã hội và để chiếm giữ một vị trí an ninh quốc phòng chiến lược, người Pháp đã cho dời cơ quan hành chính về Buôn Ma Thuột.
Mỗi lần chuyến hành trình du lịch Tây Nguyên đến với Buôn Mê Thuật, du khách không thể không ghé tới Khu du lịch Buôn Đôn, và nói đến Buôn Đôn là người ta nghĩ đến voi, nghĩ về cầu treo trên dòng sông Serepok . Và cũng chính con voi đã làm nên những giá trị văn hóa độc đáo: Văn hóa voi. Và cũng không thể không nhắc tới những huyền thoại kỳ thú về “vua săn voi”- Khun Ju Nốp.
Huyền thoại về “vua săn voi”
Xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) hiện có một khu nghĩa địa nhỏ với những ngôi mộ được xây cất rất “hoành tráng”, nằm trong một khu rừng thưa, bên cạnh con đường lát xi măng. Khu nghĩa địa này chỉ dành riêng cho những Gru (dũng sỹ săn voi) nổi tiếng của Bản Đôn. Mộ của “vua săn voi” – Khun Ju Nốp nằm ở vị trí trung tâm khu nghĩa địa. Ông là một trong số những Gru nổi tiếng nhất của Bản Đôn.
Theo già Ama Kông, cháu ngoại của Khun Ju Nốp, “vua săn voi” tên thật là Y Thu Knul. Ông sinh năm 1828, mất năm 1938, thọ 110 tuổi, là một trong những người khai phá và sáng lập ra Bản Đôn, cũng như nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng (Bản Đôn là cách gọi của người Lào, còn người Ê Đê gọi là Buôn Đôn). Ông cũng là người có ảnh hưởng lớn, có tiếng nói quan trọng trong cộng đồng các dân tộc Ê Đê, Mnông, Jrai, Lào cùng chung sống ở vùng Bản Đôn. Sinh thời, thành tích của “vua săn voi” là săn bắt được hơn 400 con voi, trong đó có nhiều con voi đực 1 ngà. Đặc biệt, ông là người đã săn được con voi đực màu trắng. Theo luật tục, chỉ có các bậc vua chúa mới được sử dụng voi trắng nên ông đem con voi này biếu cho vua nước Xiêm La và được ông vua này phong tặng danh hiệu Khun Ju Nốp – nghĩa là “vua săn voi”. Cho đến nay, không một Gru nào ở Bản Đôn vượt qua được ông về số lượng voi săn được và cả về số voi quý (voi trắng, voi một ngà).
Mặc dù là “vua săn voi”, lại thọ đến 110 tuổi, nhưng Khun Ju Nốp lại không có con trai nối dõi. Sau khi chết, ông được các cháu ngoại tổ chức xây ngôi mộ bề thế nằm ở trung tâm nghĩa địa của các Gru. Khác với những ngôi mộ bề thế của các Gru ở xung quanh, ngôi mộ của Khun Ju Nốp được xây rất lớn, nhưng lại không có các họa tiết rườm rà cùng các bức tượng chim công, ngà voi sặc sỡ.
Ngôi nhà trên 130 năm tuổi!
Ngôi nhà sàn của “vua săn voi” lớn nhất vùng bản Đôn, nằm ở buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Ngôi nhà không phải do “vua săn voi” tự xây dựng mà là do ông mua lại của một người trong dòng họ. Theo người già trong vùng, chỉ tính mốc từ khi Khun Ju Nốp là chủ sở hữu cho đến nay thì ngôi nhà đã có tuổi thọ khoảng 130 năm.
Cũng theo già Ama Kông, ngôi nhà được Khun Ju Nốp mua với giá “bằng 12 con voi đực có cặp ngà lớn”. Sau khi làm chủ ngôi nhà, “vua săn voi” đã làm lễ cúng tốn hết 22 con trâu đực lớn, hàng chục con heo, hàng trăm ché rượu cần… Nguyên bản ngôi nhà gồm 3 gian, được làm hoàn toàn bằng gỗ quý. Khác với nhà dài truyền thống của người Ê Đê, Mnông trong vùng, ngôi nhà cổ này có tới 3 mái nhọn, mỗi gian có một mái riêng. Để lợp phần mái, người ta đã phải công phu đẽo hàng chục nghìn miếng gỗ cà chít để làm vật liệu lợp. Tính ra, chỉ riêng phần mái đã tiêu tốn khoảng 10 m3 gỗ cà chít (một loại gỗ quý).
Sau khi Khun Ju Nốp qua đời, do không có con trai nối dõi nên ngôi nhà được giao lại cho Ama Kông, cháu ngoại của “vua săn voi”. Năm 1954, ngôi nhà bị cây me lớn bên hiên đổ xuống đè sập mất một gian và cho đến nay những người trong gia đình Ama Kông vẫn chưa có điều kiện tu sửa lại nên nó được giữ nguyên hiện trạng. Hiện ngôi nhà là một điểm du lịch thuộc Trung tâm Du lịch sinh thái văn hóa Bản Đôn. Kỷ vật còn lại duy nhất của “vua săn voi” - Khun Ju Nốp là chiếc mâm đồng. Tương truyền đây là chiếc mâm mà Khun Ju Nốp thường dùng để cúng voi khi ông sang Lào để săn voi. Nó được con cháu “vua săn voi” tìm kiếm và đưa về Việt nam năm 1959.